Lụa satin là gì? Tất tần tật những thông tin cần biết về vải satin

Cẩm nang Everon 16/09/2021
Lụa satin là gì? Tất tần tật những thông tin cần biết về vải satin

Lụa satin là một trong những loại vải có nguồn gốc lâu đời và có tính thẩm mỹ cao. Chất liệu này được sử dụng khá rộng rãi trong các mặt hàng may mặc, rèm cửa và các bộ chăn ga gối cao cấp. Cùng Everon khám phá nguồn gốc, ưu điểm và giá cả của chất liệu này qua bài viết dưới đây.

1. Vải satin là gì?

Vải satin có nguồn gốc từ lụa, chất liệu này được dệt bằng kỹ thuật vân đoạn. Kỹ thuật này giúp cấu trúc sợi vải trở nên chặt chẽ hơn trong quá trình đan kết của sợi ngang và sợi dọc. 

Vải có độ óng tự nhiên, chất liệu mềm mại và không bám bụi. Trước đây, vải satin thường được dệt bằng sợi tơ tằm và cotton, về sau người ta còn thay thế bằng các sợi tổng hợp để dệt như polyester, viscose… Đây là một trong những loại vải được ưa chuộng hàng đầu trên thị trường ngày nay.

 

2. Nguồn gốc lịch sử của vải satin

Kỹ thuật dệt vải satin đã có từ hơn 2000 năm trước tại Trung Quốc, về sau lan rộng ra các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. 

Ở thế kỷ thứ XII, Ý là quốc gia đầu tiên sản xuất vải satin. Đến thế kỷ thứ XIV loại vải dần được sử dụng phổ biến tại khắp các nước Châu Âu, do giá thành đắt đỏ nên vải satin chỉ được dùng cho giới quý tộc và tầng lớp thượng lưu.

Vào những năm thập niên 70, vải satin được sử dụng rộng rãi và trở thành một xu hướng thời trang được chị em phụ nữ ưa chuộng thời bấy giờ.

Hình ảnh về vua Louis XVI một tín đồ của vải satin, ông khai thác vẻ đẹp của chất liệu này để trang trí cho cung điện Versailles.

3. Phân loại các loại vải lụa satin phổ biến

3.1. Lụa satin

Chất liệu lụa satin được dệt từ loại tơ tằm thượng hạng, bề mặt vải mềm mại có độ óng ánh tự nhiên và thu hút. Trọng lượng của vải satin vô cùng nhẹ và thoáng mát, đặc biệt vải không gây ra hiện tượng tích điện vào mùa đông như các loại vải thông thường. 

Vải lụa satin thường có giá thành khá cao và thường được sử dụng để may những trang phục cao cấp. 

Mẫu vải lụa satin với chất liệu mềm mại và sang trọng.

3.2. Cotton satin

Khác với chất vải lụa dệt bằng tơ tằm, vải cotton satin được dệt bằng sợi cotton, giúp vải cứng cáp và có độ bền cao hơn. Bề mặt vải cotton satin có sự láng bóng, mềm mịn và đặc biệt mặt vải không hề bị nhăn sau khi giặt giũ giống như vải cotton thông thường.

Mẫu vải cotton satin láng bóng mềm mại, nhẹ nhàng và thấm hút mồ hôi tốt.

3.3. Chiffon satin

Chất liệu vải chiffon satin được kết hợp từ các sợi tổng hợp khác nhau như nylon, poly, satin... Đặc điểm của loại này là chất liệu khá nhẹ, mỏng, không co giãn, không nhăn và có thể nhìn xuyên thấu. Chính vì vậy, chất liệu này thường được ứng dụng trong may mặc các mẫu đồ nội y, trang phục áo dài hoặc váy đầm.

Mẫu vải chiffon satin nhẹ nhàng và tinh tế dành riêng cho phái đẹp

3.4. Các loại vải satin khác

- Satin antique: vải được sử dụng công nghệ dệt thoi, khi cầm khá nặng tay, bề mặt có độ bóng mờ và thường được sử dụng để may rèm cửa.

- Satin baronet: màu sắc tươi sáng và đa dạng, thường được sử dụng trong trang trí, may chăn, ga, vỏ gối satin.

- Satin duchess: Chất vải nặng, bề mặt độ bóng thấp, giữ phom rất tốt nên được sử dụng để may áo cưới.

- Satin messaline: Chất vải sáng, bề mặt mềm mại được làm từ lụa tơ tằm có độ bóng cao, ứng dụng trong may mặc cho các trang phục cao cấp.

- Satin polyester: Sử dụng kiểu dệt truyền thống của satin, sản phẩm từ chất liệu này có độ bền cao, khả năng cách nhiệt và chống nhăn tốt. Rất phù hợp để may áo choàng và áo Blazer.

4. Ưu và nhược điểm của vải satin

4.1. Ưu điểm của vải satin

- Một trong những điểm hấp dẫn của vải satin là độ bóng, chúng tạo nên sự cuốn hút về mặt thị giác từ các sản phẩm may mặc phụ kiện, thời trang.

- Tính thẩm mỹ cao, đem đến vẻ đẹp sang trọng.

- Chất vải nhẹ và mềm mại, khi tiếp xúc trên da đem lại cảm giác thoải mái và thoáng mát cho người sử dụng. 

- Ngoài ra, chất liệu satin còn có nhiều màu sắc ấn tượng và hoa văn đa dạng, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp với sở thích và cá tính của từng cá nhân.

4.2. Nhược điểm của vải satin

- Trong may mặc, chất liệu này khá trơn thường gặp khó khăn trong việc cắt may, khó tạo kiểu dáng và giữ nếp, dễ bị xước vào móng tay hay các vật sắc nhọn.

- Vải satin dễ bị bắt lửa.

- Đối với loại vải này ta nên giặt bằng tay, tránh giặt máy vì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng, màu sắc và phom dáng của vải.

5. Ứng dụng của vải lụa satin trong đời sống

5.1. Thời trang

Vải lụa satin thường được sử dụng chủ yếu để may trang phục như váy, đầm dạ hội, áo choàng, áo sơ mi, đồ nội y,... Ngoài trang phục quần áo, chất liệu satin còn được sử dụng để làm phụ kiện, giày múa bale và nhiều món hàng thời trang khác nhau.

5.2. Áo cưới

Nhờ vào chất liệu cao cấp và mang tính thẩm mỹ, chất liệu satin được sử dụng rộng rãi trong các bộ lễ phục váy cưới. Những năm gần đây, các mẫu váy cưới thường được thiết kế theo phong cách tối giản nhằm mang đến cho khách hàng sự thoải mái và tiện lợi. 

Ngoài ra, vào những mùa nắng nóng chất vải satin còn phát huy các ưu điểm nhẹ nhàng và thoáng mát mà vẫn đảm bảo tiêu chí đẹp mắt và sang trọng.

5.3. Sản xuất chăn ga gối

Ngày nay, vải satin được dùng phổ biến để sản xuất chăn ga gối đệm. Vải satin có chất liệu mềm mại, thông thoáng tạo cảm giác thư thái và dễ chịu đem đến những giấc ngủ sâu. Với vẻ đẹp mềm mại và thanh lịch, vải satin còn khiến căn phòng trở của bạn trở nên nổi bật và sang trọng hơn.


Bộ chăn bốn mùa ESC20004 của Everon được làm từ chất liệu cotton satin mềm mịn và bền màu. Sản phẩm được nhiều người yêu thích bởi thiết kế nổi bật với gam màu đỏ thẫm sang trọng và quý phái.

5.4. Vật dụng trang trí nội thất

Vải satin được ứng dụng rộng rãi trong nội thất để làm các sản phẩm như rèm cửa, vỏ bọc ghế sofa, thảm trải bàn... Các sản phẩm từ lụa satin giúp tăng tính thẩm mỹ và tạo điểm nhấn nổi bật cho không gian của căn nhà.

Rèm cửa được làm từ chất liệu satin tạo điểm nhấn nổi bật cho căn nhà.

6. Vải satin giá bao nhiêu?

Vải satin là một trong những chất liệu được ưa chuộng và sử dụng phổ biến ngày nay. Tùy vào đặc điểm của từng loại, nguồn gốc và đơn vị cung cấp cũng như chất lượng mà vải satin mà sẽ có các mức giá khác nhau. Dưới đây là một vài mức giá tham khảo tốt nhất của vải satin trên thị trường hiện có

- Đối với vải lụa satin được dệt bằng chất liệu tơ tằm thượng hạng sẽ có giá khá cao. Giá trung bình từ 350k - 450k/khổ/1,5m.

- Vải cotton satin có chất liệu sợi cotton ít hơn mức giá giao động từ 130k - 150k/khổ.

- Vải chiffon satin có mức giá 130k/khổ 1,5m.

Một vài mẫu vải satin cao cấp với hình dáng, hoa văn bắt mắt

7. Cách bảo quản lụa satin bền và đẹp

- Nên ngâm sản phẩm vào nước lạnh và cho một ít muối khoảng 2 tiếng trước khi giặt, như vậy sẽ giúp sản phẩm đánh bay bụi và giữ được màu của vải. 

- Những sản phẩm bằng vải satin nên giặt bằng tay và phân loại riêng với nhau. Ngoài ra, bạn nên hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa mạnh.

- Vải satin không chịu được nhiệt độ cao, vì vậy tránh phơi ở nơi có ánh nắng trực tiếp. 

- Nên điều chỉnh nhiệt độ của máy sấy và bàn ủi sao cho phù hợp để không làm ảnh hưởng đến chất lượng vải.

Nên sử dụng túi giặt để bảo vệ sản phẩm khi giặt máy và điều chỉnh chế độ giặt phù hợp.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chất liệu vải lụa satin, để từ đó lựa chọn được những sản phẩm ưng ý cho mình. Trong đó, nếu bạn có nhu cầu mua bộ chăn ga gối satin chất lượng làm từ vải cotton satin thì có thể truy cập vào website của Everon.com để lựa chọn cho mình một sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao và phù hợp với gia đình.